Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn trầm lắng. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Xây dựng đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng nguồn cung, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (Ảnh: TTXVN). |
Phân khúc BĐS còn hạn chế
Số liệu công bố của Bộ Xây dựng tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023 cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường BĐS tiếp tục trạng thái trầm lắng.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội (NƠXH) và nhà ở thương mại giá rẻ. Giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án BĐS, cắt giảm lao động…
Về nguồn cung BĐS, hiện các phân khúc vẫn còn hạn chế. Trong đó: Nhà ở thương mại hoàn thành 25 dự án với khoảng 10.000 căn, đạt khoảng 50% so với 6 tháng cuối 2022; Hoàn thành 4 dự án NƠXH với quy mô 934 căn hộ; Dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành 8 dự án với 3.385 căn, bằng 133,33% so với quý IV/2022.
Mặt khác, giá giao dịch BĐS tiếp tục có xu hướng giảm so với 6 tháng cuối năm 2022. Trong đó, giá chung cư tại các địa phương giảm từ 2 – 6% so với kỳ trước; nhà ở riêng lẻ giảm từ 6 – 10% so với kỳ trước và đất nền tại các dự án giảm khoảng từ 8 – 11%.
Về tổng lượng giao dịch, có khoảng 187.000 giao dịch thành công, đạt 36,13% so với 6 tháng cuối năm 2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền. Lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm, chỉ bằng 40,69% so với 06 tháng cuối năm 2022.
Về tín dụng BĐS, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng bất động sản tháng 02/2023 là 859.394 tỷ đồng…
Hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn, dẫn đến doanh nghiệp phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.
Xây dựng giải pháp cân đối cung cầu
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật nhà ở (sửa đổi và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi); dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các Thông tư trong lĩnh vực nhà ở, kinh doanh BĐS.
Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ sẽ tiếp tục đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cân đối lại cung cầu, cơ cấu sản phẩm thị trường BĐS, tăng nguồn cung, nhất là nguồn cung NƠXH, nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Thường xuyên theo sát diễn biến tình hình thị trường BĐS, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, kịp thời xử lý các vấn đề “nóng” phát sinh.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện, duy trì thường xuyên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS; bám sát tình hình thị trường BĐS để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, thiên tai, tác động của dịch Covid – 19 đối với thị trường BĐS, để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.