Theo thống kê, bất động sản (BĐS) là lĩnh vực chiếm đến 38% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Trong khi đó, hầu hết các nhà đầu tư đều đang phải trải qua nhiều thử thách để đạt được mục tiêu Net Zero. Điều này thúc đẩy nhu cầu cải tạo tái phát triển các tòa nhà sẽ tăng theo để đạt được mục tiêu bền vững.
Các chuyên gia nhận định, những tài sản BĐS có khả năng sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, tích hợp thiết lập năng lượng tái tạo sẽ giảm đáng kể lượng khí thải, tạo ra các cộng đồng thân thiện với môi trường hơn và được công nhận (ảnh: T/L). |
Ông Matthew Clifford, Giám đốc Phát triển bền vững & ESG của Cushman & Wakefield khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết: Hiện có nhiều loại chứng chỉ có thể được cấp cho các tòa nhà văn phòng, chung cư, khu công nghiệp có thiết kế và vận hành theo một danh sách các tiêu chí xanh, bao gồm: Chứng chỉ công trình xanh như: LEED, BREEAM, Energy Star, Green Globes…
Trong đó, chứng nhận công trình xanh khẳng định các tài sản riêng lẻ được thiết kế hoặc vận hành theo cách phù hợp với các tiêu chí bền vững được phát triển độc lập. Chứng nhận công trình xanh mang lại lợi ích cho người sử dụng, xã hội và môi trường. Ngoài ra, các chứng nhận này đóng vai trò như một lớp minh bạch và trách nhiệm bổ sung để thông báo cho các nhà đầu tư và người thuê về hiệu suất ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị doanh nghiệp) của một tài sản.
Còn chứng nhận về sức khỏe và thể chất như: Fitwel, WELL, RESET… là chuyển trọng tâm sang tác động của các tòa nhà đối với sức khỏe và hạnh phúc của con người. Các yếu tố trong môi trường xây dựng của chúng ta như khả năng tiếp cận ánh sáng ban ngày, cơ hội thư giãn tinh thần và vận động thể chất cũng như sự sẵn có của các lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng cũng có tác động trực tiếp đến sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của chúng ta cũng như năng suất tổng thể tại nơi làm việc.
“Qua nhiều buổi làm việc với các nhà đầu tư BĐS, chúng tôi nhận thấy hầu hết các nhà đầu tư đều đang phải trải qua nhiều thử thách để đạt được mục tiêu Net Zero. Các nhà đầu tư mà chúng tôi trao đổi biết rằng tính bền vững là quan trọng, nhưng họ cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận của mình. Và chúng ta cần tiếp tục tìm ra liên kết tính bền vững với giá trị của tài sản bởi vì đó chính là mục đích đầu tư BĐS”, ông Matthew Clifford nói.
Tuy nhiên, BĐS xanh không chỉ gói gọn trong chứng chỉ xanh và Net Zero, mà việc phát triển BĐS cần có tác động tích cực dài hạn bởi lẽ “tuổi thọ” của BĐS có thể kéo dài hàng trăm năm.
Báo cáo của Cushman & Wakefield ghi nhận, 80% nguồn cung tòa nhà hiện hữu trên toàn cầu sẽ tiếp tục được sử dụng đến năm 2050. Vì vậy, nhu cầu cải thiện chỉ số xanh cho các tòa nhà đang vận hành sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Theo bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, để hướng tới mục tiêu vượt qua tiêu chuẩn Net Zero, nhà đầu tư hiện nay cần phải vượt xa việc đạt được lượng phát thải ròng bằng 0 để mang lại lợi ích ròng tích cực.
Bằng cách kết hợp thiết kế bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và không gian hòa nhập, chúng ta sẽ thấy môi trường được xây dựng không chỉ giúp đạt được lượng khí thải bằng 0 mà còn mang lại tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của tất cả chúng ta.
Do đó, chúng ta cần đề ra các chiến lược liên quan đến thiết kế bền vững; năng lượng ròng bằng 0 và trung hòa carbon; chú trọng yếu tố nhân sinh; giá trị công bằng, đa dạng và hòa nhập trong cộng đồng; dữ liệu, công nghệ, chính sách và quy định; kiến trúc tái tạo…
Cụ thể, cần tập trung vào các nguyên tắc giảm thiểu tác động tiêu cực mà quá trình xây dựng có thể gây ra, thông qua việc sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng, kết hợp các hệ thống năng lượng tái tạo và tham khảo các hướng khả thi của tòa nhà để tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên.
Giảm thiểu lượng khí thải trong suốt vòng đời của tòa nhà: Thiết kế – phát triển – xây dựng – vận hành – tái sử dụng – ngừng hoạt động. Áp dụng cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm chất thải. Thiết kế các tòa nhà bằng vật liệu có thể tái sử dụng, tái chế và đảm bảo quản lý nguồn nước hiệu quả.
Sức khỏe và hạnh phúc của người sử dụng BĐS phải được ưu tiên. Hình thành một cộng đồng đem lại lợi ích vượt xa mục đích ở, làm việc và vui chơi thông qua việc các nhà đầu tư có thể tập trung vào việc cải thiện khả năng tiếp cận các tiện ích mua sắm, giải trí và cộng đồng, thổi luồng sinh khí mới vào các khu dân cư chưa được phục vụ đầy đủ.
Đồng thời, việc sử dụng, phân tích dữ liệu và công nghệ thông minh giúp tối ưu hóa hiệu suất năng lượng, giám sát việc sử dụng tài nguyên và nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc đầu tiên nhà đầu tư có thể thực hiện là triển khai các hệ thống tự động hóa tòa nhà, cảm biến và điều khiển nâng cao để cho phép giám sát và điều chỉnh theo thời gian thực nhằm mang lại hiệu suất tòa nhà tối ưu.
Đặc biệt, công trình được thiết kế tái tạo đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi môi trường xây dựng thành không gian bền vững. Không chỉ giảm thiểu tác hại đến môi trường, các công trình kiến trúc còn góp phần tái tạo vật liệu xây dựng và phục hồi môi trường sống tự nhiên. Hay nói cách khác, đây là một quá trình xây dựng đón đầu sự vận hành của tự nhiên bằng cách khôi phục các vật liệu và nguồn năng lượng của chính nó.
“Các quỹ hưu trí lớn trên thế giới đang gây áp lực lên nhiều nhà phát triển trong việc xây dựng BĐS vượt xa Net Zero để thu hút vốn đầu tư. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng đón nhận nhiều nguồn vốn từ nước ngoài, các tài sản thiếu tính bền vững sẽ bị giảm tính cạnh tranh và có nguy cơ lỗi thời bởi những thước đo BĐS xanh ngày càng khắt khe. Ngay bây giờ, nhà đầu tư cần có chiến lược kinh doanh gắn liền với giá trị dài hạn không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho xã hội và môi trường”, bà Trang Bùi chia sẻ.