Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Hội thảo góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội, ngày 10/8.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì Hội thảo. |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì Hội thảo. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh – đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); các Phó Chủ nhiệm và thành viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện một số Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội nghề nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học… cùng tham dự Hội thảo.
Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã chỉnh lý một bước sau Kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh.
Luật Nhà ở năm 2014 đã cụ thể hóa những quan điểm đổi mới của Đảng về nhà ở, cụ thể hóa quyền Hiến định của người dân về nhà ở về tạo lập được chỗ ở hợp pháp và ổn định, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh – xã hội của đất nước, phát triển thị trường bất động sản mạnh mẽ, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Luật và các văn bản quy định chi tiết được ban hành kịp thời đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội.
Tuy nhiên, sau hơn 08 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2014 cùng với sự phát triển nhanh chóng của đất nước đã xuất hiện những quan hệ mới, cần điều chỉnh để giải quyết những bất cập, hạn chế trong việc tổ chức thi hành pháp luật.
Tại Kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với số lượng điều sửa đổi, bổ sung lớn, phạm vi sửa đổi toàn diện các nhóm chính sách. Đã có 238 lượt đại biểu Quốc hội cho ý kiến phát biểu về các khía cạnh nội dung của dự án luật Luật Nhà ở (sửa đổi)…
Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Pháp luật cũng tổ chức giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tổ chức các hội thảo góp ý về dự thảo Luật…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định: Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật đã chỉnh lý một bước sau kỳ họp Quốc hội, trong đó có nhiều vấn đề đã đạt được sự thống nhất tương đối nhưng còn những vấn đề còn ý kiến khác nhau…
Nhà ở xã hội luôn cần hỗ trợ từ Nhà nước
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo luật Nhà ở (sửa đổi) là Bộ Xây dựng đã từng bước hoàn thiện dự thảo gồm 13 chương, 196 điều, với các nội dung bao trùm các vấn đề như sở hữu nhà ở; chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; phát triển nhà ở; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; chính sách về nhà ở xã hội (NƠXH); tài chính cho phát triển nhà ở; quản lý sử dụng nhà ở; quản lý sử dụng nhà chung cư; giao dịch về nhà ở; quản lý Nhà nước về nhà ở; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về nhà ở; điều khoản thi hành…
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là các quy định liên quan đến NƠXH. Nhằm hoàn thiện các quy định về NƠXH trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, ông Đoàn Văn Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) – đề xuất một số giải pháp.
Theo đó, về đối tượng hưởng chính sách về NƠXH, Phó Chủ tịch VNREA đề xuất sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ NƠXH (được thuê, thuê mua, mua) với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết, giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính như tình trạng chỗ ở, mức thu nhập…
Do khả năng chi trả của người thu nhập thấp còn hạn chế nên Phó Chủ tịch VNREA cho rằng cần có những chính sách hồ trợ về tín dụng hiệu quả hơn nữa.
Về lợi nhuận tối đa của chủ đầu tư, theo ông Bình, để đảm bảo tính hiệu quả, tạo sức hấp dẫn, cần xem xét điều chỉnh tăng biên độ lợi nhuận định mức lên mức phù hợp hơn đối với NƠXH để thu hút cộng đồng doanh nghiệp tham gia. Đây cũng là yếu tố quan trọng để đạt mục tiêu phát triển 1 triệu căn hộ NƠXH.
Đại diện VNREA cũng cho rằng cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua NƠXH; Sửa đổi các quy định về thủ tục mua bán NƠXH theo hướng rút ngắn thời gian thông báo và nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê mua NƠXH…; Quy định, hướng dẫn cụ thể về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì NƠXH; Giảm công tác thanh tra, kiểm tra đối với NƠXH để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Học hỏi kinh nghiệm các quốc gia thành công trong phát triển NƠXH với giá cả phù hợp với túi tiền của người dân.
Cũng theo ông Bình, NƠXH luôn cần hỗ trợ từ nhà nước. Nhà nước đóng vai trò chính trong việc phát triển NƠXH, đồng thời kiến tạo thể chế cởi mở, thủ tục hành chính ngắn gọn để tư nhân tham gia phát triển nhà ở vừa túi tiền…
Bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Nhà ở (sửa đổi) và các luật có liên quan
Trên cơ sở phân tích các vướng mắc trong thực hiện quy định của pháp luật về thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng Việt Nam Nguyễn Thị Thơ đề xuất một số kiến góp phần hoàn thiện pháp luật.
Theo đó, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chỉ nên quy định thời điểm xác lập các quyền chiếm hữu, sử dụng đối với nhà ở khi đáp ứng được các điều kiện nhất định về thanh toán, bàn giao nhà.
Quyền sở hữu chỉ được xác lập khi hoàn thành việc đăng ký quyền sở hữu nhà ở. Theo bà Thơ, phương án này phản ánh đúng thực tế các quyền và trách nhiệm của người mua nhà và người bán nhà trong các dự án kinh doanh bất động sản. Phương án này cũng sẽ tạo ra cơ chế pháp lý rõ ràng và minh bạch để làm căn cứ xử lý tài sản trong trường hợp thế chấp, phát mại hoặc kê biên thi hành án.
Bà Thơ cũng đề xuất nới lỏng các điều kiện về đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để tạo thuận lợi cho công dân khi đăng ký, đồng thời quy định cơ chế bắt buộc đăng ký quyền sở hữu nhà ở. Chủ sở hữu nhà ở chỉ được thực hiện quyền định đoạt khi đã hoàn thành việc đăng ký quyền sở hữu…
Trong khi đó, đại diện Ban pháp chế VCCI, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng thì đề xuất Ban soạn thảo dự thảo Luật chú trọng giải quyết mối quan hệ giữa luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan, đối với các quy định về quy trình, thủ tục đầu tư, bảo đảm thống nhất.
Ban soạn thảo dự thảo Luật làm rõ các quy định về số lượng nhà ở mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam; Quy định thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; Quy định liên quan đến lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở…
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, hiệp hội cũng đã đóng góp một số ý kiến cụ thể cho dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) như các quy định về NƠXH; Thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà; Các chính sách mới về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở và các vấn đề chuyển tiếp…
Toàn cảnh Hội thảo. |
Đẩy mạnh luật hóa, giảm bớt quy định ở dưới luật
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh nguyên tắc trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở là đảm bảo thể chế hóa đúng đường lối chỉ đạo của Đảng…
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị Ban soạn thảo rà soát các vướng mắc pháp lý hiện hành. Vướng mắc chỗ nào thì phải bàn, thảo luận phương án để xử lý vướng mắc đó. Trong quá trình xử lý phải thể hiện rõ tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
“Việc Quốc hội xem xét cho ý kiến đồng bộ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cùng với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới là cơ hội để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của các quy định và sự vận hành thông suốt khi luật có hiệu lực thi hành”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Về các điều khoản chuyển tiếp của dự thảo Luật, ông Tùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp và phải làm kỹ, sớm, đầy đủ. Tránh việc thay đổi chính sách giữa pháp luật hiện hành và luật mới sửa đổi khi vào thực tế vênh nhau, tạo thành vướng mắc pháp lý mới, cản trở đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đồng thời đề nghị trong dự thảo Luật đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý được cho địa phương; Làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành xây dựng; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công khai minh bạch, giảm bớt thủ tục, góp phần cải cách thủ tục hành chính…
Ông Tùng lưu ý: Vấn đề gì có thể ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính thì cố gắng áp dụng, bảo đảm công khai minh bạch, nhưng bên cạnh đó, cần đảm bảo quy định chặt chẽ, tránh tạo sơ hở có thể bị lợi dụng, trục lợi chính sách.
Dự thảo Luật cố gắng luật hóa quy định, giảm bớt quy định ở dưới luật, đảm bảo tính thống nhất giữa luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật sớm hoàn chỉnh các dự thảo Nghị định hướng dẫn để sau khi luật được thông qua, ban hành kịp thời nghị định, thông tư hướng dẫn, có hiệu lực đồng bộ cùng thời điểm với hiệu lực của Luật, tránh tình trạng chờ nghị định, chờ thông tư.
Ông Hoàng Thanh Tùng nhận định: Luật Nhà ở (sửa đổi) là dự án khó, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan. Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến góp ý trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại diện đến từ các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Đối với các vấn đề chưa thống nhất được trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật thì cơ quan soạn thảo, Ủy ban Pháp luật phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét quyết định.
Với sự đóng góp ý kiến sáng suốt của bên liên quan thông qua các hội thảo góp ý cho dự án Luật, ông Hoàng Thanh Tùng kỳ vọng sau khi được ban hành, Luật Nhà ở (sửa đổi) có chính sách mới, đột phá, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được mong mỏi của người dân trong việc thực hiện quyền về có nơi ở, chỗ ở; góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện chính sách của nhà nước về phát triển NƠXH.
Theo Báo Xây dựng