DU LỊCH HOMESTAY VÀ FARMSTAY TẠI KHU VỰC NÔNG THÔN

Tóm tắt: Vượt qua những khó khăn về kinh tế và hậu quả từ đại dịch Covid – 19 để lại, ngành du lịch nước ta đã phục hồi nhanh chóng và bắt đầu có những khởi sắc. Hiện nay, bên cạnh những cách thức khai thác du lịch truyền thống tại các thành phố lớn thì một xu hướng mới mang lại nhiều tiềm năng cho ngành du lịch là phát triển du lịch nông thôn gắn liền với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của địa phương. Nổi bật là Homestay và Farmstay – hai loại hình du lịch đang được khai thác mạnh mẽ. Tuy nhiên, vì những lợi ích kinh tế mang lại là khá lớn, cũng như việc đầu tư, kinh doanh loại hình du lịch này lại khá đơn giản, hộ gia đình, cá nhân ai cũng có thể thực hiện được. Chính vì dễ dàng trong khâu tiếp cận và triển khai nên nhiều bất cập và rủi ro đã phát sinh mà nguyên nhân chính là khung pháp lý điều chỉnh về hai loại hình du lịch này còn nhiều lỗ hỏng. Do vậy, xuất phát từ việc nhận diện hai mô hình Homestay và Farmstay cùng tình hình hoạt động, bài viết sẽ đưa ra một số giải pháp pháp lý nhằm tháo gỡ khó khăn khi triển khai mô hình Homestay và Farmstay.

Từ khóa: Du lịch, Homestay, Farmstay, khu vực nông thôn, khung pháp lý.

Tác giả:

  • ThS. Trần Linh Huân – Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Thương mại phía Nam STAC
  • Nguyễn Phạm Thanh Hoa – Legal Intern , Công ty Luật TNHH TND

Dẫn nhập

Việt Nam là quốc gia có đa số dân số sống ở khu vực nông thôn, nguồn thu nhập của người dân chủ yếu từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm nên nền kinh tế tại một số địa phương còn kém phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân còn khá thấp. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ đẩy mạnh quá trình mở rộng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thay vì chỉ phụ thuộc vào hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp thì nhiều nơi đã tận dụng các thế mạnh như cảnh sắc thiên nhiên, bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống của địa phương để phát triển mô hình du lịch gắn liền với nông thôn, điển hình là hai loại hình du lịch là Homestay và Farmstay. Đây cũng là một xu hướng du lịch được Nhà nước khuyến khích với Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

  1. Khái quát loại hình du lịch Homestay và Farmstay tại khu vực nông thôn ở Việt Nam

1.1. Khái niệm và đặc điểm loại hình du lịch Homestay và Farmstay

Thứ nhất, về du lịch Homestay. Theo Từ điển Oxford, Homestay là thuật ngữ dùng để chỉ một sự sắp xếp, cung cấp chỗ ở cho sinh viên hoặc khách du lịch từ nhà của một gia đình có sự trao đổi về chi phí thanh toán[1]. Hay theo một định nghĩa khác, Homestay được xem là một hình thức thay thế, nơi khách du lịch sẽ ở cùng với gia đình chủ nhà trong cùng một ngôi nhà và được trải nghiệm lối sống hàng ngày của gia đình và cộng đồng địa phương[2]. Tại Việt Nam, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam định nghĩa Homestay là nơi sinh sống của người sở hữu nhà hoặc sử dụng hợp pháp trong thời gian cho thuê lưu trú, có trang thiết bị tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú, có thể có dịch vụ khác theo khả năng đáp ứng của chủ nhà[3]. Mặc dù cả ba khái niệm trên về Homestay có sự khác nhau về mặt ngôn ngữ nhưng về nội dung thì đều có bản chất như nhau, đây là một hình thức du lịch mà khách du lịch sẽ đến nhà của một người dân địa phương, được sinh hoạt như một thành viên trong gia đình của chủ nhà để trải nghiệm cuộc sống, truyền thống, văn hóa của địa phương, vùng miền.

Homestay Kon Tum | Top 07 Homestay Được Đánh Giá Cao Nhất Ở Chốn Đại Ngàn - MOTOGO

Thứ hai, về du lịch Farmstay. Hiện nay, chưa có một khái niệm chính thức nào về Farmstay, tuy nhiên, có thể hiểu Farmstay bằng cách tách từ gồm “farm” (nông trại) và “stay” (nghỉ dưỡng). Đây là một loại hình sử dụng đất nông trại để phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sản phẩm nông nghiệp, phục vụ đối tượng khách hàng và nhóm gia đình có nhu cầu nghỉ dưỡng trong không gian yên tĩnh, không gian xanh[4]. Farmstay cũng là một hình thức du lịch nhưng khác với Homestay (sinh hoạt tại nhà người dân) thì đây là loại hình cho người có nhu cầu thuê đất nông trại để sử dụng, xây dựng lên các khu du lịch, nghĩ dưỡng kết hợp với sản xuất nông nghiệp, từ đó, khách du lịch sẽ tìm đến những khu gọi là Farmstay này để lưu trú và trải nghiệm.

Hoi Lake Farmstay, Đảo Cát Bà - Booking.com

Có thể thấy rằng, Homestay và Farmstay là một loại hình du lịch mới phổ biến rộng rãi trong thời gian gần đây, với những đặc trưng cơ bản sau:

Một là, đây đều là một hình thức du lịch nông thôn. Hình thức du lịch được hiểu là các phương thức du lịch, cách khai thác thị hiếu, sở thích và nhu cầu của khách hàng để đáp ứng tốt nhất mong muốn của họ[5]. Hiện nay, có rất nhiều hình thức du lịch như du lịch tham quan (tham quan di tích lịch sử, thắng cảnh), du lịch văn hóa (du lịch lễ hội, du lịch hoa), du lịch xanh (hình thức du lịch hướng về thiên nhiên),…[6] Đây là những hình thức du lịch mang tính truyền thống, lâu đời, khai thác các thế mạnh của thiên nhiên để phục vụ nhu cầu du lịch của con người. Đối với du lịch Homestay, Farmstay cũng là một hình thức du lịch nhưng cụ thể là du lịch nông thôn. Không gian văn hóa mà hai loại hình này hướng tới là tại khu vực nông thôn.

Hai là, về đặc điểm lưu trú. Homestay là nơi mà khách du lịch sẽ sống trong cùng một ngôi nhà với người dân, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt hàng ngày để trải nghiệm cuộc sống, văn hóa địa phương. Đối với các hình thức du lịch khác, du khách sẽ đến các địa điểm du lịch để tham quan với sự hướng dẫn của hướng dẫn viên hoặc tự bản thân trải nghiệm, các địa điểm tham quan là nơi mà họ chỉ đến tham quan, địa điểm nghỉ ngơi của họ có thể là khách sạn,… Đối với Homestay, khách du lịch ngoài việc trải nghiệm các hoạt động của địa phương nơi họ đến thì họ sẽ được sống và sinh hoạt tại chính ngôi nhà của người dân. Còn với Farmstay, đây là một khu du lịch nghỉ dưỡng được xây dựng trên đất cho thuê, khách du lịch đến đây ngoài việc nghỉ ngơi, thư giãn thì họ còn có thể trải nghiệm nông nghiệp như trồng trọt rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dùng các sản phẩm do chính họ làm ra để chế biến thức ăn, đây cũng là điểm khác biệt mà không phải loại hình du lịch nào cũng có.

Ba là, về hình thức kinh doanh. Đối với hình thức Homestay, người dân sẽ sử dụng tài sản sẵn có của mình là căn nhà và các trang thiết bị khác để tạo môi trường sinh sống mang tính tạm thời, phù hợp với du khách lựa chọn loại hình du lịch này. Chủ nhà không mất quá nhiều chi phí để tạo một môi trường du lịch như các hình thức du lịch khác nhưng họ vẫn nhận lại một khoản thu nhập đáng kể. Còn đối với Farmstay, những chủ Farmstay sẽ tiến hành thuê đất nông trại, xây dựng các khu nghỉ dưỡng và cho khách du lịch thuê. Chủ Farmstay phải tự xây dựng và tạo môi trường du lịch nhân tạo như phòng ốc, lều trại,…bên cạnh môi trường tự nhiên như núi đồi, nông trại về rau sạch, gia súc gia cầm. Lợi nhuận thu lại tự hình thức này lớn, và lớn hơn nhiều so với Homestay. Nó phù hợp cho những du khách ưa thích không gian riêng tư, tự mình trải nghiệm hơn là loại hình Homestay.

1.2. Vai trò của loại hình du lịch Homestay và Farmstay

Hiện nay, bên cạnh những hình thức du lịch truyền thống thì Homestay và Farmstay đang dần trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều người, nó có ý nghĩa không chỉ cho hoạt động du lịch tại các địa phương mà còn cả người dân và chính bản thân khách du lịch. Điều này được thể hiện qua các khía cạnh sau:

Thứ nhất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hai loại hình du lịch có địa điểm hướng đến là các vùng nông thôn, khu vực ngoại thành nên sẽ giúp thúc đẩy xây dựng và phát triển nông thôn mới bền vững. Khi nông thôn mới phát triển bền vững thì đây sẽ là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng và ổn định của các điểm đến du lịch[7]. Trong tổ chức không gian, cả Homestay và Farmstay đều vai trò quan trọng trong việc kết nối với các khu đô thị, trung tâm du lịch, từ đó góp phần mở rộng phạm vi không gian và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Điều này giúp thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn (đẩy mạnh hoạt động du lịch địa phương vốn dĩ tỷ lệ khá thấp trong cơ cấu kinh tế của khu vực nông thôn so với thành thị).

Thứ hai, bảo tồn các giá trị văn hóa, truyền thống. Du lịch Homestay và Farmstay sẽ mang các giá trị, bản sắc văn hóa vùng miền, địa phương đến với du khách cả trong nước và quốc tế. Vì du khách sẽ được trải nghiệm tại nhà của người dân với hình thức Homestay hay các Farmstay tại các khu vực ngoại ô, nông thôn, đây là những nơi gần gũi với thiên nhiên với các giá trị từ tự nhiên đang dần được khai thác, văn hóa của người dân bản địa sẽ dễ dàng được du khách tiếp cận bởi không gian gắn kết hẹp. Trong khoảng thời gian trải nghiệm và tham quan ở đây, du khách sẽ có cái nhìn tổng thể về văn hóa, truyền thống, bản sắc tại địa phương, sau khi rời đi, họ sẽ mang những kiến thức mà họ đã tiếp thu, các vật phẩm truyền thống của địa phương để chia sẻ đến người thân, bạn bè, từ đó, các giá trị văn hóa của địa phương, mà rộng ra là dân tộc Việt Nam đã được lan rộng và giữ gìn.

Thứ ba, tạo sinh kế cho người dân, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tại các khu vực nông thôn, người dân từ xưa đến nay đã quen với các hoạt động kinh tế liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi mà những công việc này thường mang lại hiệu quả kinh tế không cao đối với những hộ gia đình vốn đã có nền tảng kinh tế khó khăn. Việc mở rộng và phát triển hình thức Homestay và Farmstay sẽ giúp người dân địa phương có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Đối với hình thức Homestay, người dân chỉ cần bỏ ra một số vốn nhỏ, trên cơ sở hạ tầng vật chất đã có sẵn như nhà cửa, trang thiết bị, phòng ốc, người dân chỉ cần tân trang lại để phù hợp với nhu cầu của du khách, từ đó, người dân sẽ có thêm một nguồn thu nhập mới mà cả những hộ gia đình có điều kiện kinh tế không quá tốt vẫn có thể áp dụng loại hình du lịch này. Một khi thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện và nâng cao thì kinh tế nông thôn sẽ phát triển.

Thứ tư, hình thức du lịch nông thôn giúp người dân gắn bó với quê hương. Hiện nay, nhiều người trẻ, người lao động có xu hướng vào các khu đô thị để học tập và làm việc, phát triển sự nghiệp. Họ cho rằng, môi trường nông thôn không có nhiều điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, du lịch thông qua Homestay và Farmstay sẽ là một trong những giải pháp “giữ chân” họ ở lại. Hiện nay, nhiều người đã lựa chọn “bỏ phố về quê” để thực hiện các dự án du lịch nông thôn tại chính quê nhà của mình. Có thể thấy rằng, du lịch nông thôn không chỉ mang lại các giá trị vật chất cho người dân mà còn giữ gìn các giá trị tinh thần về lòng yêu quê hương, đất nước.

  1. Thực trạng hoạt động và khung pháp lý về du lịch Homestay và Farmstay tại khu vực nông thôn ở Việt Nam

2.1. Du lịch Homestay

Theo khảo sát, người dân tại nhiều khu vực nông thôn đã áp dụng thành công mô hình du lịch Homestay và mang lại nhiều giá trị kinh tế. Theo số liệu thống kê của Công ty Dữ liệu và phân tích cho thuê ngắn hạn (AirDNA) tại Việt Nam, trong giai đoạn năm 2017 – 2019, số lượng Homestay chỉ tính riêng ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2017 có khoảng 8.000 sản phẩm thì đến năm 2019 đã tăng lên gần 30.000 sản phẩm[8]. Tại Điện Biên, mô hình Homestay Mường Then (xã Thanh Luông) và Homestay Phương Đức (xã Mường Phăng) đã phát triển gắn liền với sản phẩm OCOP (OCOP là tên viết tắt của cụm từ “One Commune One Product” – Tức mỗi xã một sản phẩm). Đây là một chương trình phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn theo hướng phát triển và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới[9]. Hay tại nhiều bản vùng cao phía Bắc như Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái,… có nền kinh tế nông thôn cải thiện khi đẩy mạnh phát triển mô hình Homestay. Người dân tại các địa phương này làm du lịch với hiệu quả kinh tế cao khi đạt 50 – 60 triệu đồng/năm[10]. Tiêu biểu là Hà Giang, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ vào mô hình du lịch Homestay với các làng H’Mông Pả Vi (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc), bản Lô Lô Chải của người Lô Lô (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn,..[11] Còn tại Đà Lạt, loại hình lưu trú Homestay đã thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và quốc tế, đặc biệt là đối với người trẻ tuổi. Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng thì toàn thành phố Đà Lạt có khoảng 300 cơ sở lưu trú dạng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, chiếm 34,5% trên tổng số 967 cơ sở lưu trú của các loại hình du lịch khác[12]. Loại hình du lịch Homestay đã dần trở nên phổ biến và mang lại nhiều lợi ích to lớn. Tuy nhiên, việc mở rộng và phát triển ồ ạt loại hình này nhưng thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng đã đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là các lỗ hổng về mặt pháp lý. Cụ thể:

Thứ nhất, chưa có khái niệm chính chức ở góc độ pháp lý đối với hình thức du lịch Homestay. Hiện nay, Homestay được xem là một loại nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê theo khoản 6 Điều 48 Luật Du lịch năm 2017. Tuy nhiên, sự ghi nhận này chưa đánh giá đúng được bản chất của Homestay và cũng không thể phân biệt được với các hình thức du lịch khác.

Thứ hai, các chủ Homestay chưa đáp ứng đủ các điều kiện về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Tại Điều 49 Luật Du lịch năm 2017, để được kinh doanh dịch vụ lưu trú, cụ thể là đối với loại hình Homestay, thì cần phải đáp ứng các điều kiện sau: (i) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; (ii) đáp ứng các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường; (iii) đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Các điều kiện tối thiểu này được quy định tại Điều 27 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi bởi Nghị định số 142/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09/10/2018 sửa đổi quy định về đầu tư kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm (i) có khu lưu trú cho khách; có bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh; (ii) có giường, đệm hoặc chiếu; có chăn, gối, màn, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm hoặc chiếu; thay bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

Tuy nhiên, thực tế, các chủ Homestay thường không đáp ứng điều kiện về việc đăng ký kinh doanh và các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Vì bản chất của loại hình du lịch Homestay, đặc biệt là đối với những Homestay có quy mô nhỏ, đây là nơi mà người dân bản địa sẽ cung cấp chỗ ở để du khách đến và sinh hoạt như một thành viên trong gia đình. Nhiều chủ Homestay kinh doanh một cách tự phát mà không tiến hành đăng ký với cơ quan chức năng, họ tự đăng thông tin lên mạng xã hội, trong các hội nhóm du lịch để tìm kiếm khách du lịch có nhu cầu. Điều này đã  khiến cho việc quản lý mô hình du lịch này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các khu vực miền núi. Hơn nữa, các điều kiện về phòng chống cháy nổ cũng không được các chủ Homestay đảm bảo.

Thứ ba, thiếu sự quản lý và kiểm soát của chính quyền địa phương. Chính vì các chủ Homestay không tiến hành đăng ký kinh doanh và cũng không thực hiện các nghĩa vụ đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên khi có vấn đề phát sinh như liên quan đến điện nước, cháy nổ, y tế,.. thì chính quyền địa phương không thể giải quyết kịp thời, khó khăn trong việc nắm bắt tình hình kinh doanh loại hình này tại địa phương,

2.2. Du lịch Farmstay

Hiện nay, bên cạnh loại hình du lịch Homestay thì Farmstay cũng đang là một xu hướng du lịch mới thu hút khách du lịch và mang lại nhiều giá trị lâu dài cả về giá trị kinh tế và văn hóa – xã hội. Vì là một hình thức du lịch nông nghiệp nên sẽ rất phù hợp cho khách du lịch đang tìm kiếm những trải nghiệm thực tế về nông nghiệp và các bản sắc văn hóa của địa phương, vùng miền. Từ tháng 8/2019, mô hình Farmstay đã xuất hiện tại Hà Nội dưới hình thức bán đất trang trại nghỉ dưỡng. Từ một mô hình du lịch mới ở giai đoạn ban đầu thì nay, nó đã trở thành một loại hình được nhiều người lựa chọn để đầu tư kinh doanh. Tại các địa phương du lịch như tỉnh Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, chủ đầu tư đưa ra các cam kết cho khách mua với mức lợi nhuận là 50 triệu đồng/năm; một số khu vực khác như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Long An, TP. Hồ Chí Minh,… cũng đã xuất hiện với các dự án Farmstay với lợi nhuận cam kết là 15 – 20%/năm[13]. Lợi nhuận và giá trị mang lại là lớn nên nhiều người đã đổ xô vào đầu tư Farmstay. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều sai phạm liên quan đến đầu tư Farmstay đã phát sinh. Theo Báo cáo kết quả rà soát mô hình Farmstay của 25 tỉnh thành thì có 04 tỉnh với 21 mô hình Farmstay có sai phạm về đất đai trên diện tích hơn 132ha, các sai phạm chủ yếu liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; thực hiện dự án khi chưa được giao; xây dựng trái phép trên đất nông, lâm nghiệp được giao quản lý, sản xuất[14]. Những sai phạm này xuất phát từ khung pháp lý về Farmstay chưa được quy định rõ ràng, nhiều lỗ hổng vẫn còn tồn tại đã khiến cho mô hình kinh doanh Farmstay chứa đựng nhiều rủi ro. Một số bất cập có thể kể đến như:

Thứ nhất, về khái niệm, hình thức du lịch Farmstay chưa được định nghĩa một cách chính thức khiến cho việc hiểu và xác định loại hình du lịch này có thể gây ra nhiều nhầm lẫn. Khác với loại hình du lịch Homestay, Farmstay hiện chưa được xem là một trong những loại hình du lịch thuộc sự điều chỉnh của Luật Du lịch năm 2017. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, các quy định pháp lý xoay quanh Luật Du lịch năm 2017 chưa đủ sự ràng buộc đối với loại hình Farmstay. Điều này khiến cho công tác quản lý từ phía cơ quan nhà nước gặp rất nhiều bất lợi và chủ các Farmstay có thể lợi dụng những thiếu sót về mặt pháp luật để lách luật.

Thứ hai, pháp luật đất đai chưa coi đất kinh doanh dịch vụ du lịch là một loại đất trong phân loại đất[15]. Tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 quy định 03 nhóm đất gồm đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất rừng đặc dụng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác), đất phi nông nghiệp (đất ở; đất xây dựng trụ sở cơ quan; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh; đất xây dựng công trình sự nghiệp; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp,…) và nhóm đất chưa sử dụng. Có thể thấy rằng, trong 03 nhóm đất đã được phân loại thì không liệt kê đất kinh doanh dịch vụ du lịch mặc dù hiện nay, nhóm đất này đang rất được quan tâm và có ảnh hưởng đến tình hình du lịch của địa phương có thế mạnh về du lịch. Đối với mô hình Farmstay, nếu chủ đầu tư coi khu đất đó là đất sử dụng cho mục đích du lịch thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cộng đồng, người dân sẽ rơi vào tình trạng không có đất để ở, canh tác, sản xuất. Nhưng nếu không có quy định về đất kinh doanh dịch vụ du lịch thì cũng khiến cho chủ đầu tư Farmstay rơi vào thế khó. Khi chủ đầu tư có nhu cầu đầu tư vào loại hình Farmstay thì bắt buộc phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Do đó, thực tế đã xảy ra tình trạng nhiều hộ gia đình, cá nhân hay các trang trại nông nghiệp đã tự ý kinh doanh mô hình Farmstay trên đất nông nghiệp, đất rừng mà không thực hiện thủ tục chuyển đổi sang đất sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ.

  1. Một số kiến nghị

Hiện nay, du lịch nông nghiệp nông thôn đang dần mở rộng và trở thành sự lựa chọn hàng đầu của du khách, đặc biệt là loại hình Homestay và Farmstay. Tuy nhiên, vì những loại hình du lịch này phát triển một cách nhanh chóng trong khi pháp luật chưa kịp thời điều chỉnh khiến cho Homestay và Farmstay đứng trước những rủi ro về mặt pháp lý, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh cũng như các giá trị mà loại hình du lịch này mang lại. Do đó, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải hoàn thiện các quy định pháp luật để các chủ đầu tư, chủ Homestay tuân thủ pháp luật và cơ quan nhà nước cũng có đủ cơ sở để kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm.

3.1. Du lịch Homestay

            Đối với mô hình du lịch homestay đòi hòi cần phải:

Thứ nhất, đưa ra khái niệm cụ thể về Homestay. Luật Du lịch năm 2017 đã xem Homestay là một loại nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Điều cần làm hiện nay chính là bổ sung thêm định nghĩa về loại hình du lịch này. Cách thức định nghĩa có thể tham khảo các tài liệu chuyên ngành về du lịch, theo đó nhóm tác giả đề xuất cần đưa ra định nghĩa về homestay theo hướng như sau: Homestay là một loại nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê để lưu trú và chủ nhà phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định thì mới được kinh doanh loại hình du lịch này.

            Thứ hai, tăng cường các giải pháp nâng cao nhận thức của người dân về xác định và tuân thủ điều kiện về kinh doanh mô hình Homestay. Pháp luật đã quy định khá cụ thể về điều kiện kinh doanh mô hình Homestay, rào cản không nằm ở nội dung quy phạm pháp luật mà nằm ở khả năng, hiệu quả thực thi pháp luật trên thực tế. Như đã đề cập trước đó, người dân kinh doanh Homestay, đặc biệt là các khu vực miền núi, dân cư thưa thớt sẽ lựa chọn thực hiện kinh doanh theo cách thức tự phát mà không đăng ký với nhà nước. Để giải quyết vấn đề này, Chính quyền địa phương cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ các quy định pháp luật về Homestay, để họ tuân thủ và thực thi có hiệu quả.

            Thứ ba, cần nâng cao trách nhiệm của Chính quyền địa phương trong kiểm tra và giám sát kinh doanh mô hình Homestay, đặc biệt là các khu vực có thế mạnh về du lịch hoặc đang trong quá trình bắt đầu triển khai mô hình này. Để làm được điều này, trước tiên là phòng ban chuyên trách cấp xã cần thực hiện các khảo sát để thu thập các số liệu liên quan đến tình trạng kinh doanh du lịch Homestay. Trong trường hợp phát hiện những chủ Homestay có sai phạm thì các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý như nhắc nhở, cảnh cáo, trường hợp tái phạm thì cần xử phạt vi phạm hành chính. Đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện việc kiểm tra thường xuyên các Homestay trong việc tuân thủ các điều kiện về y tế, phòng chống cháy nổ để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cho chính chủ nhà và du khách trong quá trình sử dụng dịch vụ du lịch tại Homestay.

3.2. Du lịch Farmstay

Đối với mô hình du lịch homestay đòi hòi cần phải:

Thứ nhất, công nhận Farmstay là một loại hình du lịch được Luật Du lịch năm 2017 điều chỉnh. Theo đó, tại Điều 48 của Luật này cần bổ sung thêm một loại hình du lịch kết hợp với trải nghiệm nông thôn. Điều này bước đầu tạo một cơ sở pháp lý vững chắc cho các quy định về Farmstay, mà trước hết là các điều kiện chung về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch (có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường; đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Thứ hai, Luật Đất đai năm 2013 cần có quy định riêng về đất khu du lịch. Ý nghĩa của đề xuất này chính là tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đầu tư kinh doanh vào loại hình Farmstay. Vì theo quy định tại khoản 25 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014 sửa đổi, bổ sung bởi Điều 28 Luật sửa đổi 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 thì khu du lịch được xem là một phân khu chức năng đặc thù như khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao,.. nên đất khu du lịch cũng cần phải có chế độ quản lý, sử dụng đất đai riêng cho phù hợp với những đặc trưng của loại đất này.

Kết luận

Có thể thấy rằng, du lịch nông thôn với hai loại hình du lịch là Homestay và Farmstay đã góp phần ngày càng nhiều vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực nông thôn, vừa tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân, vừa đẩy mạnh hoạt động du lịch của địa phương cũng như quảng bá văn hóa, bản sắc dân tộc giữa các vùng miền với nhau, giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để hai mô hình du lịch này được triển khai hiệu quả, an toàn thì việc hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, du lịch là cấp thiết.

Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Hồng Anh, “Đồng bào dân tộc ở Hà Giang thoát nghèo nhờ du lịch”, https://dantri.com.vn/du-lich/dong-bao-dan-toc-o-ha-giang-thoat-ngheo-nho-du-lich-20221125122920099.htm, truy cập ngày 07/5/2023.
  2. Lan Anh, “Farmstay là gì? Mô hình kinh doanh Farmstay hiệu quả”, https://toancanhbatdongsan.com.vn/farmstay-la-gi-a1600, truy cập ngày 06/5/2023.
  3. Thúy Hằng, “Phát hiện 21 mô hình Farmstay sai phạm về đất đai”, https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/phat-hien-21-mo-hinh-farmstay-sai-pham-ve-dat-dai-d17121.html, truy cập ngày 07/5/2023.
  4. Đoàn Hoa, “Sức hút đặc biệt từ du lịch nông nghiệp nông thôn”, https://vtr.org.vn/suc-hut-dac-biet-tu-du-lich-nong-nghiep-nong-thon.html, truy cập ngày 07/5/2023.
  5. Jakarta: ASEAN Secretariat, “ASEAN Homestay Standard”, https://www.asean.org/wp-content/uploads/2012/05/ASEAN-Homestay-Standard.pdf, truy cập ngày 06/5/2023.
  6. Hà Lan, “Mô hình Farmstay vẫn còn nhiều lỗ hổng pháp lý”, https://kinhtemoitruong.vn/mo-hinh-farmstay-van-con-nhieu-lo-hong-phap-ly-55355.html, truy cập ngày 07/5/2023.
  7. Phan Hải Minh, Diệu Thanh, “Homestay và những khoảng trống pháp lý”, https://tienphong.vn/homestay-va-nhung-khoang-trong-phap-ly-post1423976.tpo, truy cập ngày 07/5/2023.
  8. Phan Hải Minh, Diệu Thanh, “Những vấn đề pháp lý về homestay và thực trạng hiện nay”, https://thuonghieuvaphapluat.vn/nhung-van-de-phap-ly-ve-homestay-va-thuc-trang-hien-nay-d51456.html, truy cập ngày 06/5/2023.
  9. Oxford Dictionaries, https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/homestay?q=homestay, truy cập ngày 06/5/2023.
  10. Trần Xuân Tây, “Quản lý, sử dụng đất kinh doanh dịch vụ du lịch: Cần hành lang pháp lý cụ thể”, https://baotainguyenmoitruong.vn/quan-ly-su-dung-dat-kinh-doanh-dich-vu-du-lich-can-hanh-lang-phap-ly-cu-the-249733.html, truy cập ngày 07/5/2023.
  11. Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, “Giới thiệu Chương trình OCOP Quốc gia”, http://ocop.gov.vn/gioi-thieu, truy cập ngày 07/5/2023.
  12. Nguyên Thi, “Nở rộ mô hình homestay ở Đà Lạt”, http://baolamdong.vn/dulich/201901/n%E1%BB%9F-r%E1%BB%99-m%C3%B4-hinh-homestay-%E1%BB%9F-a-lat-2928406/, truy cập ngày 07/05/2023.
  13. VINPEARL, “Phân loại và tìm hiểu các loại hình ở Việt Nam hiện nay”, https://vinpearl.com/vi/phan-loai-va-tim-hieu-cac-loai-hinh-du-lich-o-viet-nam-hien-nay#:~:text=Lo%E1%BA%A1i%20h%C3%ACnh%20du%20l%E1%BB%8Bch%20l%E1%BA%A1i,h%C3%ACnh%20m%E1%BB%9Bi%20m%E1%BA%BB%2C%20h%E1%BA%A5p%20d%E1%BA%ABn., truy cập ngày 06/5/2023.
  14. VietLuxtour, “6 loại hình du lịch Việt Nam đang rất được yêu thích”, https://vietluxtour.com/cam-nang-du-lich/6-loai-hinh-du-lich-tai-viet-nam-dang-rat-duoc-yeu-thich-6377.html, truy cập ngày 06/5/2023.
icon back to top