Giải pháp phát triển “du lịch nông nghiệp” trong bối cảnh chuyển đổi số tại thành phố Cần Thơ

Việt Nam hiện là một quốc gia nông nghiệp nên phát triển du lịch nông nghiệp được xem là hướng đi thích hợp giúp xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống và tinh thần trong nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động du lịch nông nghiệp ở các địa phương còn bộc lộ một số hạn chế nhất định và thành phố Cần Thơ không ngoại lệ. Do vậy, bài viết tập trung phân tích mặt đạt được, mặt hạn chế và đề ra giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ, giúp thành phố Cần Thơ phát huy vai trò là trung tâm, là động lực phát triển của vùng.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, “du lịch nông nghiệp” ở thành phố Cần Thơ được xem là ngành mũi nhọn góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Ngành Nông nghiệp của thành phố đã có những mô hình, cách làm hiệu quả đáp ứng nhu cầu của thị trường, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, ngược lại du lịch góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị nông phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Mặc dù vậy, hoạt động du lịch nông thôn ở một vài quận, huyện hiện chưa đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh mới, như: địa điểm du lịch phát triển manh mún, tự phát, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, tính liên kết giữa ngành du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn, thiếu tính sáng tạo[1]… Bài viết tập trung phân tích một vài khó khăn và đề ra giải pháp thích hợp để thúc đẩy bền vững hoạt động này tại thành phố Cần Thơ trong thời gian tới.

2. Nội dung

2.1. Quá trình hình thành chính sách phát triển du lịch nông nghiệp

“Du lịch nông nghiệp” là một thuật ngữ dùng để chỉ hoạt động tham quan trang trại hoặc các quá trình sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp với mục đích nhận thức, sở thích, giáo dục, hoặc nghỉ dưỡng, bao hàm trong đó cả tài nguyên nông nghiệp, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn[2]. Hay, du lịch nông nghiệp là hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp và của cộng đồng nhằm giới thiệu với du khách về quá trình sản xuất và các di sản nông nghiệp của vùng nông thôn3.

Ở Việt Nam, Luật Du lịch năm 2014 và các nghị định, thông tư có liên quan không đề ra khái niệm du lịch nông nghiệp nhưng tại Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25/7/2022 hướng dẫn nội dung thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy định liên quan đến du lịch nông nghiệp, đó là: “Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách (theo khách quốc tế, nội địa; theo độ tuổi,…) gắn với du lịch nông thôn…” [3].

Thêm vào đó, Quyết định số 992/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 về Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn giai đoạn mới giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu cơ bản có ít nhất một (01) điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương ở mỗi tỉnh, thành phố. Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn chuyển đổi số và ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Riêng ở thành phố Cần Thơ, thực hiện theo Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành ủy Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/12/2021 về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới, trong đó định hướng phát triển du lịch thành phố trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 774/QĐ-UBND ngày 22/02/2022 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Cần Thơ có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp hơn so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thủy văn thuận lợi. Đặc biệt, do định hướng phát triển thành phố Cần Thơ là trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022. Cùng với lợi thế cạnh tranh này, các sản phẩm nông nghiệp nổi trội của thành phố như lúa, trái cây… sẽ tạo chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước.

Những cơ sở pháp lý trên được xem như là tiền đề để thành phố Cần Thơ tìm ra những giải pháp thiết thực thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nơi đây.

2.2. Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ có lợi thế cạnh tranh lĩnh vực du lịch theo mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh được xây dựng bởi Larry Dwyer và Chulwon Kim (2003)[4] vì Thành phố Cần Thơ là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, tổng diện tích tự nhiên 1.401,61 km2, chiếm 3,49% diện tích toàn vùng, có hơn 60% diện tích vùng ngoại thành, được bao quanh bởi hệ thống sông, rạch chằng chịt, tài nguyên phong phú thích hợp cho du lịch nông nghiệp. Diện tích sản xuất nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ là 114.256 ha (chiếm 80% diện tích đất tự nhiên), những bãi bờ được phù sa sông Hậu bồi đắp, là điều kiện thuận lợi giúp nông dân xây dựng và phát triển mô hình du lịch canh nông.

Qua hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 01/8/2016 của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch, du lịch Cần Thơ phát triển khá nhanh, bền vững. Công tác triển khai, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ “về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới” kịp thời, nhận được sự quan tâm, đồng tình của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố. Ngoài loại hình du lịch di sản văn hóa và làng nghề, du lịch sinh thái sông nước đô thị, du lịch tham quan di tích lịch sử – văn hóa và du lịch MICE, thành phố Cần Thơ còn có nhiều cụm du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái nổi bật tại huyện Phong Điền[5]; quận Cái Răng[6]

Bên cạnh đó, công tác triển khai, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ “về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới” đã kịp thời nhận được sự quan tâm, đồng tình của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố. Các sở, ban ngành thành phố có liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện đã quan tâm chủ trì, phối hợp triển khai xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, kế hoạch phát triển thương hiệu du lịch nông nghiệp thành phố Cần Thơ; đồng thời xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách về lĩnh vực du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo đúng trình tự, thủ tục, quy định pháp luật và tình hình thực tiễn của thành phố, nhằm tạo đà cho du lịch nông nghiệp “cất cánh”[7].

Được sự quan tâm hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của du lịch nông nghiệp, các hộ nông dân tham gia làm du lịch ở các quận, huyện luôn có đổi mới, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm phong phú và đặc thù của địa phương mà không trùng lắp nhằm tạo điểm nhấn khác biệt khi du khách đến Cần Thơ; đồng thời luôn lưu giữ những nét đẹp dân dã, bình dị của vùng sông nước miệt vườn Nam Bộ, cùng các giá trị văn hóa, nếp sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng bản địa.

Thực tiễn về kết quả đạt được cho thấy, tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp thành phố Cần Thơ rất lớn, có khả năng hoàn thành tiêu chí đặt ra theo Đề án Phát triển du lịch nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

2.3. Một số khó khăn trong phát triển du lịch nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ

Thứ nhất, mặc dù hiện nay, được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo thông qua các chỉ thị, nghị quyết từ Trung ương đến địa phương về đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, tạo tiền đề cho từng quận, huyện xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch nhằm khai thác thế mạnh của từng quận, huyện, nhưng. du lịch cộng đồng vẫn còn mang tính tự phát, sản phẩm nông nghiệp còn đơn điệu.

Thứ hai, mặc dù du lịch nông nghiệp ở thành phố Cần Thơ đang có tiềm năng phát triển nhưng đây cũng là loại hình mới, đang cần nhiều giải pháp xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như giúp hộ nông dân tham gia làm du lịch tiếp cận nguồn vốn vay, nhân lực và hạ tầng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của loại hình du lịch nông nghiệp này, tiến tới phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho toàn ngành Du lịch.

Thứ ba, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Các lớp bồi dưỡng dành riêng cho du lịch nông nghiệp từ nguồn ngân sách còn hạn chế. Lực lượng chuyên trách quản lý du lịch tại các quận, huyện còn thiếu. Phần lớn doanh nghiệp du lịch quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh còn yếu. Các hộ kinh doanh cá thể về du lịch hầu hết chưa được đào tạo qua trường lớp về du lịch nông nghiệp, do vậy chất lượng phục vụ khách du lịch chưa cao.

Thứ tư, việc tận dụng công nghệ số trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định, do trình độ dân trí, cũng như tiềm lực về kinh tế của các hộ dân tham gia làm du lịch nông nghiệp không đồng đều. Vì vậy, việc quảng bá, xúc tiến du lịch, cũng như việc kết nối các địa điểm du lịch giữa các quận, huyện với nhau chưa đáp ứng nhu cầu mong đợi.

2.4. Một số đề xuất góp phần phát triển du lịch nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ thời gian tới

Trên cơ sở các lợi thế sẵn có và những khó khăn trong phát triển du lịch nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ, trong thời gian tới, ngành Du lịch Cần Thơ nói chung, du lịch nông nghiệp Cần Thơ nói riêng cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, trên nền tảng xác định Cần Thơ là trung tâm du lịch của vùng theo Quyết định số 2227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố Cần Thơ. Thành phố Cần Thơ cần sớm đề ra giải pháp xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, cũng như giúp hộ nông dân tham gia làm du lịch tiếp cận nguồn vốn vay, nhân lực và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của loại hình du lịch nông nghiệp.

Hai là, tiếp tục đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài. Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch nông nghiệp gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất Tây Đô theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ba là, tiếp tục triển khai phát triển 1 làng văn hóa du lịch; 5 làng du lịch kết hợp các sản phẩm của địa phương, các dịch vụ du lịch nông thôn theo Quyết định số 2403/QĐ-UBND ngày 24/9/2018 về “Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn 2030”.

Bốn là, tổ chức khảo sát, đánh giá, xây dựng các tuyến du lịch gắn với các điểm du lịch mới, các di tích, các tuyến du lịch đường sông tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố; khảo sát, đánh giá xây dựng các mô hình du lịch tại thành phố Cần Thơ: du lịch cộng đồng; du lịch ban đêm; du lịch ẩm thực; du lịch nông nghiệp và các dịch vụ du lịch phụ trợ. Nâng cao chất lượng các điểm, vườn du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ đạt tiêu chí công nhận mới và tái công nhận các điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố Cần Thơ và cấp đồng bằng sông Cửu Long.

Năm là, triển khai, thực hiện Kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch thành phố Cần Thơ năm 2023; thực hiện Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030. Tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch Cần Thơ tại Nhật Bản, Ấn Độ và Thái Lan. Tổ chức 3 cuộc hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch “Cần Thơ – Đô thị miền sông nước” tại các thị trường trọng điểm. Thực hiện chuyển đổi số trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thành phố Cần Thơ năm 2023; quảng bá du lịch Cần Thơ trên các trang mạng xã hội năm 2023[8].

Sáu là, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Cần Thơ cần tăng cường tập huấn, tuyên truyền cho tất cả người dân ở địa phương hiểu được tầm quan trọng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch, quan tâm hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi và đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng làm du lịch cho người dân với phương châm “người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch” theo chủ trương chung của Thành phố.

3. Kết luận

Dưới góc độ kinh tế, du lịch được xem là một hình thức xuất khẩu văn hóa và dịch vụ tại chỗ, không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn thông qua hoạt động du lịch để truyền bá thông tin, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè khắp nơi trên thế giới. Phát triển du lịch nông nghiệp còn góp phần đáp ứng quy định về xã nông thôn kiểu mẫu mới giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

(1) Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 1-8-2016 của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch, du lịch Cần Thơ phát triển khá nhanh, bền vững

(2) Christine Tew (2010), Importance of agritourism for agripreneur goal accomplishment

(3) Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT

(4) Dwyer, L và Kim, C. (2003), “Destination Competitiveness: Determinants and Indicators”, Current Issues in Tourism, 6(5), 369-414.

(5) 48 điểm vườn trong tổng số 65 điểm du lịch (khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh, Vườn Trái cây Vàm Xáng, Làng du lịch sinh thái Ông Đề, Vườn du lịch sinh thái Giáo Dương, Vườn trái cây Rạch Kè, Vườn Trái cây 9 Hồng, Vườn Trái cây Bà Hiệp, Vườn Trái cây Vũ Bình…)https://baocantho.com.vn/du-lich-nong-nghiep-cau-noi-hoi-nhap-a141527.html

(6) Có Vườn trái cây Út Hiên, Vườn trái cây Lê Lộc, Khu du lịch Ba Láng, Vườn sinh thái Hoa Súng, Vườn sinh thái Bảo Gia Trang Viên, Vườn sinh thái Xẻo Nhum, Cồn Ấu, Khu du lịch Phù Sa…; https://www.vtr.org.vn/can-tho-thuc-day-du-lich-nong-nghiep-va-du-lich-duong-song.html

(7) Quyết định số 774/QĐ-UBND ngày 22/02/2022 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030

(8) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ (2023). Báo cáo số 3829/BC-SVHTTDL ngày 19/10/2022 về công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

TÀI LIỆU THAM KHẢO;

  1. Chính phủ (2016). Quyết định số 2227/QĐ-TTg ngày 18/11/năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 20020, tầm nhìn 2030.
  2. Chính phủ (2016). Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng về việc ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020.
  3. Claudio, L., Vincenzo, G., Luigi, M., Agostino, G., Alfonso, S. (2017). Exploring the features of agritourism and its contribution to rural development in Italy. Land Use Policy, 64, 383-390.
  4. Christine Tew (2010). Importance of Agritourism for agripreneur goal accomplishment. Thesis of Faculty of the Graduate School University of Missouri, 5-20.
  5. Đoàn Thị Mỹ Hạnh, Bùi Thị Quỳnh Ngọc (2012). Phát triển du lịch nông thôn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long: Đường đến cơ cấu kinh tế dịch vụ – nông – công nghiệp, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh. 28, 261-268.
  6. Kim, C., Dwyer, L. (2003). Destination compatitiveness and bilateral tourism flows between Australia and Korea. Journal of Tourism Studies 14(2), 55-67.
  7. Quốc hội (2018). Luật Du lịch sửa đổi, số 09/2017/QH14.
icon back to top