Theo giới chuyên gia bất động sản, với những tín hiệu tích cự từ việc giảm lãi suất và sửa đổi cùng một lúc 3 đạo luật liên quan, thị trường bất động sản dự báo sẽ “ấm” dần từ cuối năm 2023.
Thị trường bất động sản đang dần chuyển biến tích cực. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Sau gần 3 năm gần như “ngủ đông,” thị trường bất động sản trên cả nước đang rục rịch “ấm” trở lại. Trong đó, các yếu tố được giới chuyên gia nhận định là cơ hội lịch sử giúp thị trường bước sang giai đoạn phát triển mới là: Tình hình kinh tế – xã hội đang có sự chuyển biến tích cực; dòng vốn dần khơi thông với lãi suất thấp.
Đặc biệt, 3 đạo luật có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản (bao gồm Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014) đang sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023 tới sẽ là ‘cú hích’ giúp thị trường khởi sắc.
Gỡ rào cản, giảm lãi suất vay vốn
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về dự báo thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, cho rằng những chuyển biến tích cực với thị trường bất động sản sẽ bắt đầu từ đầu quý I/2024.
Tuy vậy, ông Lực cũng lưu ý sau rất nhiều giải pháp của Chính phủ để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững (điển hình là Nghị quyết số 33/NQ-CP), bất động sản đã và đang “ấm” dần, bởi thách thức lớn nhất đã vượt qua.
Về nguồn vốn, hiện lãi suất đã và đang giảm. Mặt bằng lãi suất hạ nhiệt là yếu tố tác động tích cực tới thị trường. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5%-2%/năm. Điều này sẽ đem lại động lực lớn cho doanh nghiệp bất động sản với khả năng tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
“Ngoài ra, độ ngấm của chính sách khi các luật liên quan được Quốc hội xem xét thông qua trong tháng Mười sắp tới, cũng sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển tốt hơn,” ông Lực tin tưởng.
Có chung quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế – Trường Đại học Luật Hà Nội, nhấn mạnh có hai vấn đề cơ bản đã được nhận diện là rào cản đối với sự phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian qua. Đó là điểm nghẽn về vốn và điểm nghẽn về cơ chế pháp lý. Trong đó, pháp lý là rào cản lớn nhất.
“Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ bằng việc cùng một thời điểm tiến hành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Đây là 3 đạo luật có tác động trực tiếp đến sự vận hành của thị trường bất động sản,” ông Tuyến nói.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+) |
Chỉ ra một số điểm mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông Tuyến cho hay thứ nhà là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất; xác lập yêu cầu xây dựng hệ thông thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai.
Cùng với đó, dự thảo Luật Nhà ở năm 2014 (sửa đổi) bổ sung quy định về hình thức phát triển nhà ở xã hội; bổ sung quy định về việc vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn của Nhà nước để phục vụ cho phát triển nhà ở; bổ sung 2 mục quy định về chính sách phát triển nhà ở lưu trú cho công nhân và nhà ở lực lượng vũ trang.
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2024 cũng bổ sung quy định làm rõ sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được đưa vào kinh doanh (trong đó bổ sung cụ thể thêm các sản phẩm là căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú); quản lý hoạt động môi giới bất động sản; doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trách nhiệm công khai thông tin về bất động sản…
“Với những thay đổi, bổ sung trên, thị trường bất động sản tới đây sẽ phát triển tích cực và bền vững hơn,” ông Tuyến nhấn mạnh.
Niềm tin của khách hàng được củng cố
Chia sẻ trong một sự kiện chào mừng Ngày truyền thống ngành xây dựng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, diễn ra vào ngày 11/9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh khó khăn của thị trường bất động sản đang dần vơi đi đồng thời dự báo thị trường này sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm 2023.
Qua nghiên cứu thị trường, đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cũng đưa ra dự báo nguồn cung bất động sản sẽ đạt trên 30.000 sản phẩm trong quý 4/2023. Về lực cầu, thị trường bất động sản nhà ở dần ổn định trong những tháng cuối năm.
Cùng với đó, niềm tin của khách hàng được củng cố và nguồn cung được cải thiện sẽ góp phần làm tăng lực cầu cho phân khúc nhà ở.
Theo giới chuyên gia bất động sản, dự báo trong nửa cuối năm 2023 là thời điểm thuận lợi để khách hàng có sẵn dòng tiền đầu tư các sản phẩm bất động sản có nhu cầu ở thực và đầu tư lâu dài. Đặc biệt là các sản phẩm có vị trí địa lý thuận lợi và hạ tầng giao thông tốt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+) |
Thực tế ghi nhận của VARs cho thấy nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp bất động sản trên cả nước hiện đang được triển khai với kết quả tích cực. Trong đó, Hà Nội đã giải quyết được 419 dự án, tương đương 58,8% số lượng dự án gặp khó khăn. Các địa phương khác cũng đang đốc thúc giải quyết, gỡ khó cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy thị trường phát triển trong thời gian tới.
Trong bối cảnh thị trường đang dần “ấm” lên, ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus cho thấy tại nhiều địa phương, các chủ đầu tư đã và đang rục rịch chuẩn bị ra hàng.
Đơn cử như tại Thanh Hóa, một dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã mở bán từ 16/9; hay một số dự án ở Quảng Ninh, Hải Phòng cũng dự kiến mở bán từ tháng 10/2023, bởi theo giới đầu tư đây là thời điểm thích hợp để “xuống tiền.”
Đáng chú ý, tại thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), với thông tin địa phương này nằm trong quy hoạch dự kiến sẽ lên thành phố lên thành phố – trở thành một trong ba thành phố mới của Quảng Ninh vào trước năm 2030, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã tìm về “đón đầu” cơ hội đầu tư tại địa phương này.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, một nhà đầu tư bất động sản tại thị xã Đông Triều, sau một thời gian thị trường bị giãn đoạn, phần lớn các nhà đầu tư đã chủ động hơn trong tìm hiểu thị trường.
“Hiện nay, các chủ đầu tư đang chuẩn bị kế hoạch ra hàng với chiến dịch bán hàng đột phá nhằm hỗ trợ người mua. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã trực tiếp tiếp xúc khách hàng, tham gia giới thiệu dự án để tạo niềm tin cho thị trường,” ông Tuấn chia sẻ./.