“Du lịch nông thôn” là một chỉnh thể đầy hứa hẹn
Thưa Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang! Chị vừa phát hành cuốn sách chuyên khảo “Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam” do NXB Đại học Quốc gia TP.HCM ấn hành, tạo nhiều hứng thú cho độc giả quan tâm đến du lịch và quan tâm đến đời sống nông thôn. Khái niệm “du lịch nông thôn” khá mới mẻ đã cho chị cảm hứng như thế nào?
Du lịch nông thôn là một phạm trù bao hàm cả du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề và du lịch sinh thái. Tôi cho rằng, du lịch nông thôn đã hội đủ điều kiện để vận động, dựa trên Nghị quyết số 08- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quyết định so 147/ QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và quyết định 490/ QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về quê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCCP” mà du lịch là một trong 6 nhóm sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam thăm mô hình phát triển du lịch nông thôn mở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang).
Giữa “du lịch” và “nông thôn” khi kết hợp với nhau, thì hoàn toàn không vênh về chính sách, mà chỉ có chút khác biệt về tư tưởng. Nhiều người vẫn quan niệm du lịch thuộc ngành văn hóa thì hoàn toàn không liên quan đến ngành nông nghiệp. Tôi tin, “du lịch nông thôn” hoàn toàn là một chỉnh thể đầy hứa hẹn cho tương lai.
Được biết, chị là một trong 7 người tham gia biên soạn nội dung để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Điều gì khiến chị ưu tư nhất?
Muốn phát triển du lịch nông thôn, tôi nghĩ, cần tối đa hóa nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này. Từ nguồn vốn đầu tư hạ tầng cho đến nguồn vốn đào tạo nhân lực. Du lịch nông thôn có ba ưu điểm, thứ nhất là góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao, thứ hai là góp phần phát triển ngành nghề nông nghiệp, thứ ba là phát huy giá trị văn hóa của các vùng miền. Vì vậy, du lịch nông thôn không chỉ cần cái bắt tay giữa Bộ NN-PTNT với Bộ VH-TT&DL mà phải có thêm sự cộng hưởng của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Ủy ban Dân tộc Chính phủ và Quỹ xóa đói giảm nghèo.
Có vài ý kiến khẳng định, sau đại dịch Covid-19 thì du lịch nông thôn có cơ hội nở rộ. Chị đánh giá thế nào?
Tôi cũng thấy vậy. Sau đại dịch Covid-19, người ta quan tâm đến sức khỏe tinh thần nhiều hơn. Du khách sẽ tìm đến không gian trong lành và những con người chất phác.
Du lịch nông thôn sẽ thay đổi bộ mặt nông thôn và lối sống nông thôn chăng?
Đúng! Du lịch nông thôn khi vào guồng thông suốt, không chỉ hạn chế thực trang di dân từ nông thôn lên thành thị để tìm kế sinh nhai, mà còn giúp phát triển kinh tế địa phương. Những người dân tộc thiểu số có thể không cần phải nhận trợ cấp nữa, mà họ tự lao động để nuôi sống bản thân. Bên cạnh đó, để làm du lịch nông thôn thì một số thói quen khác sẽ được hình thành, như người dân quan tâm đến cảnh quan hơn, họ trồng hoa để tạo vẻ đẹp môi trường. Và quan trọng nhất, du lịch nông thôn khiến người dân yêu quê hương hơn.
Đó là bài toán hơi có tính lạc quan ở thì tương lai. Bây giờ, chúng ta phải bàn một việc cụ thể là du lịch nông thôn phải hình thành trên nền tảng nào?
Du lịch nông thôn dựa vào đặc trưng cộng đồng làm chủ, cộng đồng hưởng lợi và cộng đồng gìn giữ. Nghĩa là những người làm du lịch nông thôn phải đặt ra và tuân thủ quy ước chung về giá cả hàng hóa, về chất lượng dịch vụ, về cung cách phục vụ và chấp nhận hỗ trợ tích cực lẫn cạnh tranh lành mạnh giữa các hộ với nhau.
Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang thuyết trình tại một khóa tập huấn về du lịch nông thôn.
Mô hình quản trị du lịch nông thôn mà chị phác thảo, rất lý tưởng. Thử lấy ví dụ khu vực đồng bằng sông Cửu Long vài năm nay đã thịnh hành các tour đưa du khách thăm thú miệt vườn, thì có thể phát hiện nhược điểm nào chăng?
Tôi nói thật, sản phẩm du lịch miền Tây Nam bộ đang bị trùng lặp và bị đại trà. Các địa chỉ bắt chước nhau một cách đơn điệu. Do đó, tôi nhấn mạnh, du lịch nông thôn cần chú trọng giá trị bản địa riêng lẻ của từng địa bàn và cần liên tục đổi mới theo hướng khác biệt.
Chị đã từng làm nghiên cứu sinh ở Pháp và có dịp khám phá du lịch nông thôn ở nhiều quốc gia. Theo chị, du lịch nông thôn Việt Nam liệu có thể thoát khỏi căn bệnh chung của du lịch Việt Nam là “sản phẩm nghèo nàn, dịch vụ yếu kém” không?
Du lịch nông thôn ở các nước phát triển đều tập trung vào giá trị văn hóa bản địa. Còn nhiều người ở nước ta vẫn làm du lịch nông thôn khá thiếu cân nhắc. Tôi từng không giấu được sự ngạc nhiên khi một địa điểm du lịch nông thôn bỏ rất nhiều tiền để làm hồ bơi, mà cái hồ bơi ấy không thể so sánh được với những hồ bơi 5 sao ở đô thị.
Cho nên, để phát triển du lịch nông thôn, thì bên cạnh việc cần có cơ chế đất đai đặc thù, phải nhanh chóng nâng cao trình độ và nâng cao nhận thức cho người dân.
Khoa Du lịch ở các trường đại học sẽ mở ngành du lịch nông thôn nhỉ?
Vâng, vô cùng cần thiết đấy chứ.
Không thể nôn nóng và sốt ruột
Trong cuốn sách cuốn sách chuyên khảo “Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam” của chị, có nhắc đến kỹ năng thuyết trình sản phẩm du lịch nông thôn sử dụng phương pháp “lời nói dối vô hại” hay phương pháp “vẽ mắt cho rồng”. Để sản phẩm du lịch nông thôn trở nên hấp dẫn, thì ngoài việc khơi gợi lại những câu chuyện xưa cũ, thì chúng ta có nên vận động sáng tác truyền thuyết gắn với mỗi địa danh?
Dĩ nhiên làm được thì quá hay, vì điều đó sẽ bồi đắp giá trị văn hóa cho từng con kênh, từng ngọn đồi khiến du khách nhớ lâu hơn, thương nhiều hơn vẻ đẹp làng quê Việt Nam.
Du lịch nông thôn đang trở nên sôi động.
Trước đây, những khu vực vùng sâu, vùng xa có khả năng thu hút du khách đều trông cậy vào những công trình tâm linh như chùa chiền, đình miếu và phát sinh không ít hệ lụy “buôn thần bán thánh”. Với tư cách một nhà khoa học, chị kiến nghị những giải pháp gì để phát triển du lịch nông thôn?
Để phát triển du lịch nông thôn, không thể nôn nóng và sốt ruột, mà nhất định phải tiến hành từng bước bài bản và căn cơ. Thứ nhất, xây dựng cơ chế đồng quản lý, phát huy sức dân tạu các địa điểm du lịch cộng đồng. Thứ hai, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, làng nghề truyền thống cảnh quan trong phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Thứ ba, nâng cao nhận thức và nghiệp vụ chuyên môn của người dân trong phát triển du lịch nông thôn.
Thứ tư, liên kết vùng và liên kết các mắt xích chuỗi giá trị du lịch nông thôn. Thứ năm, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch nông thôn. Thứ sáu, gắn liền việc phát triển du lịch nông thôn với chương trình OCOP – Chuẩn hóa các điểm du lịch theo bộ tiêu chí của chương trình.
Thứ bảy, thiết lập cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển du lịch nông thôn. Thứ tám, xây dựng đề án/ dự án phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Thứ chín, xây dựng sản phẩm đặc thù gắn với mỗi địa phương. Thứ mười, khai thác tổng hợp các nguồn lực cho phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Xin cảm ơn chị!
Theo nongnghiep.vn