Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ sáu, hôm nay, ngày 3-11, Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Hôm qua, thứ năm, ngày 2-11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ chín của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Buổi sáng: Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về các nội dung sau:
Nội dung 1: Quốc hội thảo luận về: Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương).
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội ngày 2-11. Ảnh: VPQH |
Tại phiên thảo luận đã có 22 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, tập trung vào các nội dung sau: Công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa; việc thực hiện chính sách tài khóa giai đoạn 2021-2023; vai trò của thành phần kinh tế nhà nước đối với các dự án hạ tầng giao thông chiến lược; sử dụng các công cụ tài khóa vĩ mô; kết quả và bất cập, hạn chế trong công tác đầu tư công; giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư công xây dựng hệ thống cảng cạn;
Thu ngân sách; vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; bội chi; phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; cơ cấu vốn trong việc đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; nguồn vốn đầu tư; hoàn thuế giá trị gia tăng; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; liên kết vùng; vốn đầu tư về công trình y tế; hệ thống đường sắt quốc gia; chế độ cho các lực lượng ở cấp cơ sở…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể, như: Đề xuất Chính phủ cần có giải pháp đột phá để phát huy vai trò của thành phần kinh tế nhà nước là nhà đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác các dự án hạ tầng giao thông chiến lược; rà soát, đánh giá tiến độ, khả năng thực hiện các dự án giai đoạn 2021-2025; ngoài hoàn thành hệ thống giao thông đường bộ, cần sớm tập trung quy hoạch, hoàn thiện hệ thống đường sắt quốc gia;
Chính phủ cần sớm hoàn thành việc nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, thí điểm tách công tác bồi thường, bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để thực hiện ở một số địa phương; hoàn thiện cơ chế hỗ trợ, bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án giao thông, ảnh hưởng bởi thiên tai…;
Tăng cường hơn nữa công tác giải ngân vốn đầu tư công; cho phép kéo dài nguồn tăng thu tiết kiệm chi để đầu tư cho xây dựng, tu bổ các tuyến đường cao tốc; việc lập kế hoạch đầu tư công cần sát với thực tiễn; tăng bội chi để thực hiện các dự án đầu tư công có tác động lớn đến đầu tư chung của nền kinh tế; hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhất là hỗ trợ hạ tầng sản xuất;
Nhanh chóng triển khai áp dụng việc lập kế hoạch ngân sách theo đầu ra, đặc biệt là đối với nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch bệnh; khẩn trương rà soát, cải cách, tinh gọn các thủ tục hành chính liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng; xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả; xây dựng ban hành nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới; cân đối hài hòa nguồn thu cho chính quyền địa phương;
Quản lý chặt chẽ nợ công, ưu tiên bố trí chi trả nợ lãi, gốc đúng hạn; cần có giải pháp, chính sách nâng cao năng lực theo dõi, đánh giá về công tác lập dự toán; quan tâm các giải pháp tăng thu ngân sách những tháng cuối năm và những năm tới; xây dựng chính sách tổng thể nâng cao năng suất lao động quốc gia gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng các ngành có giá trị cao, sử dụng cộng nghệ cao; kéo dài nguồn tăng thu vốn đầu tư công một số công trình giao thông trọng điểm; tiếp tục miễn giảm thuế, phí với liều lượng cao hơn, đối tượng mở rộng hơn…
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Nội dung 2: Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp được điều chỉnh, kết quả như sau: Có 439 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 88,87% tổng số đại biểu Quốc hội, trong đó có 432 đại biểu tán thành (bằng 87,45 % tổng số đại biểu Quốc hội; có 3 đại biểu không tán thành (bằng 0,61% tổng số đại biểu Quốc hội); có 4 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,81% tổng số đại biểu Quốc hội).
Theo Chương trình được điều chỉnh, Kỳ họp sẽ bế mạc vào sáng 29-11-2023 (tăng 0,5 ngày làm việc); bổ sung 2 nội dung, gồm: Trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; trình Quốc hội xem xét quyết định việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Buổi chiều
Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Nội dung 2: Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).