Công tác quy hoạch có vai trò quan trọng trong sự phát triển, là một tất yếu để phát triển bền vững. Thực hiện lời dạy của Bác về khơi dạy về khát vọng phát triển, phát huy ý chí tự lực, tự cường và quan điểm chỉ đạo của Đảng, Lào Cai là một trong những địa phương đã xây dựng thành công quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh: 1 trục động lực, 2 cực phát triển, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột phát triển kinh tế, 5 nhiệm vụ trọng tâm – thể hiện tư duy tầm nhìn và khát vọng phát triển bền vững và quyết tâm nỗ lực của cấp ủy, chính quyền nhân dân Lào Cai.
Hình ảnh Bác Hồ nói chuyện với quân và dân tỉnh Lào Cai trong dịp Người lên thăm tỉnh ngày 24/9/1958 đăng trên Báo Lào Cai đổi mới. |
Thực hiện quan điểm chủ trương của Đảng: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo quyết liệt công tác quy hoạch xây dựng và phát triển bền vững tỉnh Lào Cai.
Công tác lãnh chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch tổng thể tỉnh Lào Cai được xây dựng trên tinh thần quán triệt quan điểm khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí tự lực, tự cường của nhân dân. Xuất phát từ điều kiện khách quan, từ nhu cầu thực tiễn nhân dân để đưa ra chủ trương, đường lối trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh sau hơn 30 năm tái lập, Lào Cai với những cố gắng và nỗ lực và khát vọng phát triển, từ một tỉnh nghèo nhất cả nước, đã và đang vươn lên trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc và tốp đầu trong 14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc về kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao, liên tục tính bình quân từ 1991-2022, Lào Cai đạt tốc độ tăng trưởng gần 10%. Đời sống Nhân dân Lào Cai ngày càng được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới; 100% xã, thôn, bản có đường giao thông kiên cố và điện lưới quốc gia. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh (PCI) luôn được xếp thứ hạng cao của cả nước, đồng thời Lào Cai là tỉnh đầu tiên công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI). Thành tựu đó đã chứng tỏ những nỗ lực khát vọng vươn lên mạnh mẽ vì một Lào Cai phát triển nhanh và bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020-2026, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng bằng 18 đề án trọng tâm cùng với 24 mục tiêu, 7 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm giải pháp và 2 lĩnh vực đột phá để thực hiện đến năm 2025.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Lào Cai. |
Xác định xây dựng kết cấu hạ tầng sẽ giữ vai trò làm nền tảng cho quá trình thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Thực hiện đột phá qui hoạch và thực hiện thật tốt quy hoạch, gắn kết chặt chẽ, khoa học, đồng bộ giữa quy hoạch chung, vùng, liên vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Nhận thức này thể hiện tầm nhìn và khát vọng phát triển, tư duy biện chứng khách quan trong phân tích từ lợi thế các nguồn lực và những lợi thế so sánh khác, nhằm phát huy tối đa hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện, đó là: 1 trục động lực, 2 cực phát triển, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột phát triển kinh tế, 5 nhiệm vụ trọng tâm để khai thông, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển chung của tỉnh.
Quy hoạch tổng thể của tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một chủ trương đúng đắn với quyết tâm chính trị cao được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt tại Quyết định 1804/QĐ-TTg ngày 13/12/2019 nhằm mục tiêu là: Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường vùng Tây Nam (Trung Quốc); trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ, cửa khẩu, công nghiệp luyện kim, phát triển sản xuất nông nghiệp sạch đặc hữu cung cấp cho vùng và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy tốt bản sắc dân tộc các nét đẹp của văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo vệ môi trường bền vững; xây dựng quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền quốc gia. Từ quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2569/QĐ-UBND ngày 06/8/2020 phê duyệt nhiệm vụ lập các phương án thuộc nội dung tích hợp vào Quy hoạch tỉnh của các huyện, thị xã, thành phố Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Định hướng quy hoạch cụ thể là: Hình thành một trục kinh tế động lực dọc sông Hồng, phát triển trục đô thị thị trấn Bát Xát, thành phố Lào Cai, thị trấn Tằng Loỏng, thị trấn Phố Lu, các đô thị mới Võ Lao, Bảo Hà, Trịnh Tường; phát triển công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến sâu nông sản; thu hút đầu tư xây dựng các khu logistics, hạ tầng thương mại phục vụ kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển các khu dịch vụ du lịch, du lịch văn hóa – tâm linh và vui chơi giải trí. Trục kinh tế động lực dọc sông Hồng có vai trò liên kết không gian phát triển 2 cực phát triển, 3 vùng kinh tế của tỉnh, kết nối liên tỉnh và kết nối cả nước với khu vực Tây Nam Trung Quốc. Hai cực phát triển, bao gồm: Cực phía Bắc tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp; cực phía Nam tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, nông lâm nghiệp, là khu vực kết nối tỉnh với các tỉnh vùng Trung du, Miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc bộ với khu vực ASEAN.
Ba vùng kinh tế được tỉnh xác định, trong đó: Vùng thấp tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp; phát triển du lịch tâm linh, văn hóa; thu hút đầu tư xây dựng khu logistics, hạ tầng thương mại gắn với trục kinh tế động lực dọc sông Hồng và cảng hàng không Sa Pa, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn vùng. Vùng cao phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu ôn đới; phát triển các loại hình du lịch với tâm điểm là khu du lịch quốc gia Sa Pa, vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát; thực hiện chính sách an sinh, xã hội, giảm nghèo bền vững, ổn định đời sống nhân dân các dân tộc, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Vùng trung tâm tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, biên mậu, dịch vụ, du lịch, logicstics, công nghiệp chế tạo, chế biến công nghệ cao, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị thị trường sản phẩm nông, lâm nghiệp; nơi thu hút nguồn lực đầu tư cả về nguồn lực, nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, thực hiện chuyển đổi phát triển kinh tế “xanh” của tỉnh Lào Cai. Bốn trụ cột phát triển kinh tế: kinh tế cửa khẩu, dịch vụ; công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản. Năm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực, nguồn lao động; hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông và hạ tầng số; phát triển nông nghiệp, nông thôn và ổn định sắp xếp dân cư; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá con người Lào Cai.
Nhìn vào tổng thể tầm nhìn quy hoạch có thể thấy, Lào Cai đã nhận thức rõ vai trò rất quan trọng của quy hoạch đối với sự phát triển của tỉnh và của cả vùng Trung du, Miền núi phía Bắc. Trên quan điểm xuất phát từ thực tế khách quan và từ nhu cầu thực tiễn của con người nói chung, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói riêng, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai đã tiến hành khảo sát, phân tích đánh giá sát hợp đặc thù điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và từng địa phương; phân tích, đánh giá đúng thực trạng vùng miền, tìm ra những cái chung bản chất, thống nhất giữa các huyện, thị, thành phố; cái riêng đặc thù của từng đơn vị; thực hiện gắn kết giữa khai thác tiềm năng lợi thế với vai trò phát huy tính năng động sáng tạo của con người. Việc bản đồ quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, Lào Cai đã và đang đặt công tác quy hoạch vào đúng vai trò và vị trí, đồng thời coi quy hoạch là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế – xã hội và quyết tâm nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân với tinh thần“Đoàn kết – Kỷ cương – Thích ứng linh hoạt – Phát triển toàn diện”để thực hiện bằng tất cả trách nhiệm để quy hoạch đạt hiệu quả tối đa.
Quy hoạch tỉnh Lào Cai: 1 trục động lực, 2 cực phát triển, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột tăng trưởng, 5 nhiệm vụ trọng tâm. |
Trong thời gian tới, để hướng tới mục tiêu phát triển đề ra, Tỉnh ủy Lào Cai xác định 25 chỉ tiêu phát triển kinh tế, trong đó quan tâm và phấn đấu nỗ lực để hoàn thành “5 chỉ tiêu về kinh tế – 5 chỉ tiêu về xã hội”. Đồng thời quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong chuyến lên dự Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ lên thăm tỉnh Lào Cai 23/9/1958 – 23/9/2023): Đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai phải luôn ghi nhớ, nghiên cứu, thấm nhuần những lời dạy mang tầm tư duy chiến lược, nhìn xa trông rộng của Bác; tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; chủ động, sáng tạo hơn nữa, tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh, xây dựng Lào Cai trở thành cực tăng trưởng của vùng Trung du, miền núi Bắc bộ; trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc; phải đặc biệt coi trọng và tăng cường quản lý tốt các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường; tiếp tục tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; phải thường xuyên củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân”, bảo đảm ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia…; phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Như vậy, với sự thấm nhuần quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng phát triển đất nước. Quán nguyên tắc xuất phát từ thực tế khách quan, toàn diện, phát triển và bảo đảm sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của đất và người Lào Cai trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Quy hoạch tổng thể tỉnh Lào Cai – tầm nhìn khát vọng phát triển bền vững, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, thực hiện “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hành động – Phát triển”, nỗ lực và quyết tâm vì một Lào Cai giàu mạnh và phát triển.