RED Center – Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch theo hướng bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, tỉnh Tuyên Quang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình du lịch…
Tuyên Quang là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú cả về mặt tự nhiên và văn hóa. Về tài nguyên du lịch văn hóa, Tuyên Quang là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, có nhiều di tích văn hóa lịch sử, văn hóa, trong đó nổi bật là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào; Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình; Thành cổ Tuyên Quang; các giá trị văn hóa dân tộc bản địa…
Về tài nguyên du lịch tự nhiên, Tuyên Quang có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp với những thắng cảnh kỳ thú, độc đáo và hấp dẫn, trong đó nổi bật là Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình; Suối khoáng Mỹ Lâm… Đây là nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, có tính khác biệt để Tuyên Quang khai thác phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Địa phương này còn có nhiều tài nguyên du lịch gắn với hệ sinh thái nông nghiệp nông thôn như ruộng bậc thang Hồng Thái – Na Hang, Xuân Lập – Lâm Bình; đặc sản cam sành Hàm Yên; làng nghề chè Vĩnh Tân – Sơn Dương, đồi chè cổ thụ Khau Mút – Lâm Bình… Với các giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, khác biệt này, Tuyên Quang có thể khai thác phát triển một số sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn công nghệ cao gắn với các sản phẩm OCOP, VietGAP.
Tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những nét đặc trưng riêng về văn hóa như phong tục tập quán, lối sống, cấu trúc các làng bản, kiến trúc nhà ở, ẩm thực, đặc biệt là nhiều lễ hội, tín ngưỡng truyền thống hấp dẫn như: Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, lâm Bình; lễ hội đình của dân tộc Cao Lan (lễ hội đình Giếng Tanh, thành phố Tuyên Quang, lễ hội đình Minh Cầm, huyện Yên Sơn), lễ hội Động Tiên, huyện Hàm Yên, nghi lễ nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, lễ cấp sắc dân tộc Dao… Đây là các giá trị tài nguyên du lịch văn hóa dân tộc đặc sắc có thể khai thác phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa dân tộc, du lịch cộng đồng.
Bên cạnh các giá trị tài nguyên nổi bật, Tuyên Quang còn một số giá trị tài nguyên để xây dựng các sản phẩm khác như: Hệ thống thác nước ở Tuyên Quang là một trong những nét đặc sắc, thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên, phù hợp xây dựng, khai thác loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với du lịch cộng đồng, du lịch thể thao mạo hiểm… Tiêu biểu là thác Khuổi Nhi, thác Mơ, thác Bản Ba, thác Lụa…
Du lịch về nguồn Thủ đô Khu giải phóng – Thủ đô kháng chiến là nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng nhất của du lịch Tuyên Quang.
Những năm qua, với nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch nói chung và xây dựng sản phẩm du lịch nói riêng, hoạt động du lịch Tuyên Quang đã có nhiều khởi sắc, đã hình thành một số khu, điểm với các sản phẩm du lịch độc đáo đó là: Khu du lịch Tân Trào với loại hình du lịch lịch sử, văn hóa; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn với chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp; Khu du lịch sinh thái Na Hang – Lâm Bình, điểm du lịch thác Bản Ba với loại hình du lịch sinh thái, dã ngoại…, đặc biệt với hệ thống đền, chùa nổi tiếng linh thiêng, tỉnh đã khai thác tốt hoạt động du lịch tâm linh, tín ngưỡng.
Với những khu, điểm du lịch đã hình thành, các sản phẩm du lịch của Tuyên Quang đang được khai thác bao gồm: Du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tắm khoáng nóng; du lịch sinh thái, tham quan, vãn cảnh lòng hồ thủy điện (Na Hang, Lâm Bình); du lịch văn hóa cộng đồng homestay Lâm Bình, Na Hang; du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn; du lịch văn hóa, tâm linh…
Với những giá trị tài nguyên của địa phương, tỉnh Tuyên Quang định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng phải có chất lượng cao, hấp dẫn, mang thương hiệu đặc thù gắn với các di tích văn hóa lịch sử, cách mạng (Tân Trào, Kim Bình…); với các giá trị văn hóa dân tộc bản địa (thực hành Hát Then, Nghi lễ Nhảy lửa, lễ cấp sắc, lễ đại phan, phong tục tập quán dân tộc bản địa…); với các giá trị tài nguyên tự nhiên đặc trưng (cảnh quan rừng núi, sông hồ…) để cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, mang đậm nét đặc trưng của Tuyên Quang dựa trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh đặc biệt (Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến, Lễ hội Trung thu, danh thắng quốc gia Na Hang – Lâm Bình, suối khoáng Mỹ Lâm…). Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng cấp vùng và địa phương nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách du lịch như: Du lịch tham quan, nghiên cứu sinh thái; du lịch trải nghiệm nông nghiệp nông thôn; du lịch cộng đồng; du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch vui chơi giải trí, thể thao mạo hiểm; du lịch giáo dục truyền thống cách mạng; du lịch tâm linh…
Theo đó, tỉnh Tuyên Quang xây dựng nhóm sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng “Du lịch Về nguồn Thủ đô Khu giải phóng – Thủ đô kháng chiến” Du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc nói chung, du lịch Tuyên Quang nói riêng gắn với loại hình du lịch nổi trội nhất, là thế mạnh, đặc trưng riêng của Việt Bắc và Tuyên Quang, có khả năng liên kết cao giữa các địa phương trong vùng, với cả nước và quốc tế; giữa các ngành, trung ương với địa phương đó là loại hình du lịch lịch sử cách mạng với sản phẩm du lịch đặc trưng là Du lịch về nguồn Thủ đô Khu giải phóng – Thủ đô kháng chiến. Đây là nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng nhất, khác biệt nhất, có khả năng tạo nên thương hiệu cho du lịch Tuyên Quang để hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Các sản phẩm Du lịch về nguồn Thủ đô Khu giải phóng – Thủ đô kháng chiến, cụ thể bao gồm: Du lịch tham quan, nghiên cứu các di tích lịch sử cách mạng Tân Trào – Thủ đô Khu giải phóng – Thủ đô Kháng chiến. Du lịch tham quan, nghiên cứu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Du lịch tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước của dân tộc.
Đối với nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, nghiên cứu đa dạng sinh học; du lịch sinh thái nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái tự nhiên, nghiên cứu đa dạng sinh học Na Hang – Lâm Bình (Du lịch thám hiểm, nghiên cứu các hệ sinh thái tự nhiên, nghiên cứu đa dạng sinh học (nghiên cứu loài đặc hữu voọc mũi hếch; Du lịch sinh thái văn hóa gắn với cộng đồng dân tộc bản địa sinh sống xung quanh Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình.).
Sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn công nghệ cao gắn với các sản phẩm OCOP; VietGAP (Du lịch tham quan, trải nghiệm các vườn lê, vườn mận, con đường lê đẹp nhất Việt Nam; vườn và đường mận đẹp nhất khu vực; ruộng bậc thang Hồng Thái gắn với tổ chức thường niên lễ hội ruộng bậc thang, lễ hội Hoa lê và các sự kiện phụ trợ (tìm hiểu tập quán canh tác, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc…). Du lịch tham quan, trải nghiệm làng nghề chè Vĩnh Tân, thưởng thức các sản phẩm được chế biến từ chè (bánh, kẹo hương vị chè; tắm ngâm chè…).
Những lễ hội đặc trưng cho văn hóa truyền thống của địa phương là nguồn tài nguyên trong phát triển du lịch.
Với nhóm sản phẩm du lịch văn hóa – lễ hội – tâm linh, tỉnh Tuyên Quang chú trọng phát triển du lịch tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm giá trị di sản văn hóa dân tộc bản địa: Tham quan, trải nghiệm cuộc sống cùng cộng đồng của các dân tộc bản địa ở các bản làng (Nặm Đíp, Nà Muông, Nà Kẹm, Nà Tông, Nà Đông, Bản Biến, Pà Thẻn – Lâm Bình; Bản Ba – Chiêm Hóa; Khau Tràng – Hồng Thái…). Sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm “Lễ hội Thành Tuyên” Ngoài ra cần khai thác phát triển các lễ hội vệ tinh, lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ rước Mẫu, Lễ hội Lồng Tông, Lễ Cấp sắc của người Dao, Lễ đại phan của người Sán Dìu…
Nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chăm sóc sức khỏe, làm đẹp: Tuyên Quang có nhiều cảnh quan thiên nhiên với những thắng cảnh kỳ thú, độc đáo hấp dẫn, vùng núi cao có khí hậu mát mẻ…, trong đó nổi bật là hồ thủy điện Na Hang gắn với khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Na Hang, suối khoáng nóng Mỹ Lâm… là nguồn tài nguyên du lịch phong phú, những dự án du lịch trọng điểm, có tính khác biệt để Tuyên Quang khai thác phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng – Du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chăm sóc sức khỏe, làm đẹp.
Do vậy, với các giá trị tài nguyên du lịch độc đáo này, Tuyên Quang có thể khai thác để xây dựng các khu nghỉ dưỡng núi, hồ cao cấp (có thể tạo nên thương hiệu cho du lịch Tuyên Quang) nhằm phục vụ các đối tượng khách có thu nhập cao. Tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp này có thể xây dựng bổ sung các sản phẩm du lịch kết hợp như tắm khoáng nóng, tắm thuốc, tắm trà, vật lý trị liệu – phục hồi chức năng, spa, chơi golf, casino… Các sản phẩm Du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chăm sóc sức khỏe, làm đẹp cụ thể bao gồm: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Na Hang kết hợp chơi golf, thể thao nước trên lòng hồ Na Hang (chèo thuyền kayak, câu cá, dù lượn…). Du lịch nghỉ dưỡng; chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; tắm khoáng nóng Onsen, tắm thuốc, vật lý trị liệu, chơi golf… ở Mỹ Lâm…
Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang chú trọng phát triển các nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ khác như: Nhóm sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm theo các chuyên đề đặc biệt (vượt thác, thám hiểm hang động, thám hiểm rừng nguyên sinh, leo núi, đu dây, leo thang, khinh khí cầu, nhảy dù, tàu lượn…) Nhóm sản phẩm du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện…) Du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo.
Năm 2022, tỉnh thu hút hơn 2,3 triệu lượt khách du lịch; doanh thu xã hội từ du lịch đạt 2.475 tỷ đồng. Tuyên Quang phấn đấu năm 2023 thu hút trên 2,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu xã hội về du lịch đạt 3.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, Tuyên Quang đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, độc đáo và có chất lượng cao theo thứ tự ưu tiên: Trước hết là các sản phẩm du lịch đặc trưng cấp quốc gia, có khả năng tạo thương hiệu cho toàn tỉnh, có sức hấp dẫn cao đối với khách du lịch (ưu tiên các sản phẩm du lịch gắn với Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào); tiếp đến là các sản phẩm du lịch đặc trưng cấp địa phương để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch.
Đầu tư khôi phục, bảo tồn, trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử cách mạng ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào và Kim Bình để phục vụ xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của Tuyên Quang – “Du lịch Về nguồn Thủ đô kháng chiến Tuyên Quang” Đầu tư xây dựng đồng bộ các khu du lịch trọng điểm gắn với phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào – Thủ đô Kháng chiến, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Na Hang, khu du lịch nghỉ dưỡng Mỹ Lâm đẳng cấp, có chất lượng, có sản phẩm du lịch độc đáo với dịch vụ đa dạng gắn với du lịch nghỉ dưỡng.
Đầu tư tăng cường hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có chất lượng, đạt tiêu chuẩn, nhưng phải phù hợp với điều kiện môi trường văn hóa, môi trường sinh thái của Tuyên Quang. Hướng đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú cần ưu tiên các dự án xây dựng khách sạn, biệt thự, bungalow nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp ở các khu du lịch trọng điểm (Na Hang, Mỹ Lâm…), cũng như ở trung tâm thành phố Tuyên Quang. Chú trọng phát triển hệ thống lưu trú sinh thái, hệ thống lưu trú trong dân (homestay)…
——————————————————————-
Hội nghị Giải pháp phát triển & Xúc tiến đầu tư: Bất động sản Du lịch Nông nghiệp Việt Nam
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chỉ đạo và giao cho Trung Tâm Phát triển Bất động sản phối hợp với Viện Kinh tế Du lịch Nông nghiệp tổ chức Hội nghị “Giải pháp phát triển & Xúc tiến đầu tư Bất động sản Du lịch Nông nghiệp Việt Nam” cụ thể:
– Thời gian: Thứ Năm ngày 25/05/2023
– Địa điểm: Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia,1 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hội nghị là dịp để kết nối địa phương, nhà đầu tư, cá nhân, tổ chức chia sẻ thông tin, để tìm kiếm giải pháp kết nối và huy động nguồn lực, xúc tiến đầu tư vào các địa phương có tiềm năng phát triển bất động sản, nhất là bất động sản du lịch nông nghiệp.
Đăng ký tham gia tại: https://redcenter.vn/su-kien/ban-tron-xuc-tien-dau-tu-bat-dong-san-du-lich-nong-nghiep-viet-nam
LIÊN HỆ:
Tel/Zalo: 093.186.5526 (Ms. Thu Huệ)
Email: red.vnrea@gmail.com